MỘT SỐ KỸ THUẬT KHI HÁT THANH NHẠC

a) Hát liền tiếng (legato, cantilena):

– Hát liền tiếng là kiểu hát cơ bản nhất của kĩ thuật luyện thanh nhạc trên thế giới. Có người đã nói rằng ai không hát liền tiếng thì coi như không biết hát.
– Trong các tác phẩm ca hát ở nước ta, từ những bài dân ca đến những bài hát trong sinh hoạt, trên sân khấu ca nhạc, những ca khúc nghệ thuật thường có giai điệu phong phú, êm ái, uyển chuyển. Cho nên để thể hiện đặc tính nghệ thuật đó thì cách hát liền tiếng phải được đặc biệt quan tâm trong kĩ thuật thanh nhạc.
– Hát liền tiếng là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn, tự nhiên, thoải mái từ âm nọ sang âm kia. Giọng hát không ngừng ngắt và cũng không vuốt qua một âm trung gian nào. Hát liền tiếng là cách hát để đáp ứng tính chất mềm mại của giai điệu, với âm thanh có chất lượng tốt.

hocdan-edu-vn-6
Hát liền tiếng là kết quả của một hoạt động phức hợp của toàn bộ bộ máy phát thanh, hội tụ được những điều kiện như:
-Luyện tập cho cơ quan phát thanh hoạt động đúng và phù hợp, nghĩa là hơi thở phải có điểm tựa kéo dài; hơi thở sâu và sử dụng tiết kiệm, gắn bó chặt chẽ tất cả các nốt nhạc (âm thanh) lại với nhau, từng âm thanh phải vang khoẻ, tròn trặn, thống nhất về cường độ và âm sắc.
-Hát liền tiếng trong luyện thanh dễ hơn trong những bài hát,vì giai điệu còn ghép với lời, gồm những nguyên âm và phụ âm. Muốn hát liền giọng trong các bài hát, ngoài việc hát liền các nguyên âm, còn phải phát âm những phụ âm nhanh, gọn, làm cho bộ phận truyền âm thay đổi những tư thế khác nhau khi phát âm những phụ âm.“Nói” trong sinh hoạt và việc phát âm những vần, tiếng trong ca hát rất khác nhau. Khi “nói”, mọi người không dừng lại ở những nguyên âm, mà phát âm những nguyên âm nhanh và ngắn, còn trong ca hát thì nguyên âm được kéo dài ra. Phụ âm trong lời nói và trong ca hát thì giống nhau và bao giờ cũng phát âm nhanh.
Biết xử lí sao cho các nguyên âm được hát lên và tước bỏ những trở ngại do phát âm những phụ âm gây ra là điều rất quan trọng để tạo ra tiếng hát đẹp, mượt mà, nghĩa là thật legato, cantilena.

hocdan-edu-vn-7 

 


 

Hình ảnh Legato (trái) và Cantilena (phải) được biễu diễn trên khuông nhạc.

– Người hát phải cố sao trong lúc hát các nguyên âm được kéo dài và nối liền nguyên âm nọ với nguyên âm kia, càng liền càng tốt, mặc dù giữa các nguyên âm còn có những phụ âm. Cần đặc biệt chú ý những phụ âm khép tiếng ở cuối chữ, ví dụ: C, CH, NH, NG, P, T – không nên khép lại quá sớm mà cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi. Như vậy âm thanh cũng như lời hát sẽ gắn bó được với nhau.
– Chú ý khi giải quyết yêu cầu hát liền tiếng vẫn phải chú ý hát rõ lời. Trong các bài dân ca hoặc các bài hát mà tác giả của nó chú ý trau chuốt lời ca, thì tính giai điệu còn hàm chứa ngay cả trong lời hát với những ca từ đẹp, giàu hình tượng, giàu chất thơ.
 
hocdan-edu-vn-5 

b) Hát nhanh:
– Hát nhanh là cách hát những giai điệu một cách linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng. Đó cũng là một yêu cầu quan trọng của nghệ thuật ca hát.

– Giọng hát nào cũng có thể hát nhanh nếu chú trọng luyện tập phát triển kĩ thuật hát nhanh. Tất nhiên loại giọng cao, nhẹ nhàng thuận lợi cho việc luyện tập hát nhanh hơn là giọng trầm. 

– Kĩ thuật hát nhanh đặc biệt cần thiết cho giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) để thực hiện những yêu cầu kĩ thuật kĩ xảo, linh hoạt, thể hiện sự vui tươi, trong sáng, ríu rít như tiếng chim hót.

– Nói chung phong cách thanh nhạc thời nay ít đòi hỏi sử dụng kĩ thuật hát nhanh như phong cách thanh nhạc thời xưa, nhất là trong các vở ca kịch…Tuy nhiên dù sao thì kĩ thuật hát nhanh ngày nay vẫn cần cho cho một ca sĩ.


– Tập hát nhanh cũng như tập thể dục cho giọng hát vậy, giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng, linh hoạt, hơi thở cũng dần tiết kiệm, hát được câu nhạc dài hơn. Hát nhanh giúp cho ca sĩ biết điều chỉnh giọng hát của mình tốt hơn, luyện những nốt cao thuận lợi hơn, vì khi hát nhanh, âm thanh sẽ lướt nhanh cùng hơi thở và có điều kiện lên cao dễ hơn, có đà hơn.

– Khi tập hát nhanh, phải chú ý lấy hơi sâu và nhanh, vì lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và làm cho âm thanh bị nặng nề.

– Phải đẩy hơi nhẹ nhàng, liên tục. Luôn chú ý đến sự chuẩn xác về cao độ, không bỏ nốt, âm thanh phải rõ ràng, hàm dưới phải buông lỏng, vị trí của âm thanh phải cao và không hút vào sâu.

hocdan-edu-vn-4

c) Hát âm nảy (staccato):
– Hát âm nảy là một yêu cầu kĩ thuật của giọng hát, vì lối hát này có nhiều tác dụng tốt cho việc phát triển giọng hát.Trước hết, âm nảy là phương thức tốt nhất để nắm được cách bật âm thanh (attacca) nhẹ nhàng, gọn tiếng, tạo ra cơ sở để phát triển âm khu cao của giọng hát, vì để lên cao, dùng âm nảy, gọn,, nhanh, như lướt qua các âm cao, rất thuận lợi để sau nhiều lần, sẽ củng cố được âm cao ấy. Âm nảy sẽ tạo ra thói quen bật âm thanh đúng, điều cần thiết phải có khi hát liền tiếng (legato)
– Khi hát âm nảy phải buông lỏng hàm dưới, môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng như khi cười, càng lên cao mồm càng mở rộng hơn. Vị trí âm thanh phải nông (cạn) như phát ra từ chân răng hàm trên. Hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng, không đẩy hơi theo kiểu tống hơi từng đợt vào thanh đới theo từng nốt nhạc, phải giữ cho bụng tương đối ổn định, mềm mại , mà vẫn phải nén hơi.
– Âm nảy còn là biện pháp sửa những sai lệch về âm sắc như hát sâu, tối, gằn cổ. Với yêu cầu phải linh hoạt, trong sáng của âm nảy, âm thanh bắt buộc phải có vị trí nông và cao, giúp khắc phục dần những sai lệch nói trên của giọng hát.

– Ta thử hình dung ca sĩ hát một bài hát (cho dù là một hành khúc, chứ chưa nói đến một bài hát trữ tình), mà từ đầu đến cuối toàn hát to – chỉ một sắc thái ấy – thì sẽ kém hấp dẫn biết bao.
– Trong một bài hát, tình cảm được thể hiện một phần bằng những sắc thái thay đổi to, nhỏ của một nốt nhạc hoặc cả câu nhạc, bằng cả sự tương phản giữa to và nhỏ…
Luyện tập hát to, nhỏ, to dần, nhỏ dần là một vấn đề khó, vì điều quan trọng là khi thay đổi âm lượng nhưng vẫn giữ được chất lượng âm thanh.
– Muốn đạt được yêu cầu đó phải thực hiện mấy điểm sau đây:

+ Lấy hơi sâu, đẩy hơi đều đặn, liên tục (không đẩy hơi ồ ạt, đột ngột). Kết hợp với hơi thở đó, phải mở rộng mồm phía trong bằng cách nhấc hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới.
+ Âm thanh phát triển to dần, nhỏ đi dần, không đột ngột. Hát vuốt nhỏ dần tương đối khó hơn so với hát to dần, nhất là ở nốt cao. Âm thanh phải di chuyển đều đặn, đừng nhỏ đột ngột, nén hơi thở cho tốt, vì nếu buông lỏng hơi thở, âm thanh sẽ bị gãy khúc.

+ Khi hát nhỏ dần, mồm không nên khép lại, vẫn phải giữ độ mở cần thiết ở bên trong mồm để khi âm thanh vuốt nhỏ đi sẽ không bị nghẹt, gãy mà kéo dài được liên tục, nhỏ dần dần và âm thanh chuyển dần vào hốc mũi.

 

MỘT SỐ KỸ THUẬT KHI HÁT THANH NHẠC

LIÊN HỆ

228 Nguyễn Tiểu La, Phường 8, Quận 10,
Tp. Hồ Chí Minh

08 38533 544 - 0935 509 456